Phát huy lợi thế là một xã có nghề biển phát triển lại ở gần vùng du lịch phát triển, gần đây người dân xã Cát Khánh, huyện Phù Cát đã chế biến nhiều sản phẩm hải sản mới được người tiêu dùng ưa chuộng như các loại cá khô, mực khô, trong đó đặc biệt là nước mắm.
Làng nghề nước mắm Đề Gi được công nhận danh hiệu Làng nghề truyền thống của tỉnh theo tiêu chí mới. Ảnh: THU HIỀN
Nhờ nguồn cá cơm tốt cộng với loại muối Đề Gi nổi tiếng “trắng – mặn dịu”, sản phẩm nước mắm Đề Gi được người tiêu dùng ưa chuộng. Thậm chí sau khi dùng thử, nhiều du khách không ngại cồng kềnh, hôi mùi đã mua với số lượng lớn để mang về làm quà.
Làng nghề nước mắm Đề Gi là 1 trong 2 làng nghề đầu tiên của tỉnh Bình Định được công nhận theo tiêu chí mới (năm 2016). Phát huy lợi thế này, hiện toàn xã có 332 hộ với hơn 550 lao động tham gia chế biến nước mắm, chủ yếu là lao động nữ, tập trung ở hai thôn An Quang Đông và An Quang Tây. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, các hộ làm nước mắm đã xuất bán ra thị trường trên 6.500 lít nước mắm, với giá bán từ 60.000 đến 80.000 đồng/lít. Hiện UBND huyện Phù Cát và xã Cát Khánh đang hỗ trợ làng nghề phát triển khâu bao bì, nhãn mác để tăng tính hấp dẫn cho sản phẩm.
THẾ HÀ